6 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hệ thống âm thanh tại gia | SAIGON HD
  • AUDIO
  • THIẾT BỊ TRÌNH CHIẾU
  • HI-TECH
  • TRẢI NGHIỆM SẢN PHẨM
  • GIỚI THIỆU THƯƠNG HIỆU
Phương Ngô Thị Hồng  •  22/05/2024 12:01  •  0 bình luận  •  918 lượt xem

6 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hệ thống âm thanh tại gia

Bạn làm tất cả những điều cần thiết trước khi quyết định sắm sửa cho mình một hệ thống âm thanh tại gia: Bạn đọc các bài đánh giá sản phẩm từ các trang báo hoặc các diễn đàn, lập ngân sách rõ ràng, đến các đại lý âm thanh để nghe thử và nhận sự tư vấn từ các chuyên gia… Sau tất cả, Bạn đã chính thức sở hữu một dàn âm thanh yêu thích của riêng mình, nhưng rồi có điều gì đó không ổn: chất lượng âm thanh của hệ thống không tốt như Bạn đã từng nghe. Vậy chuyện gì đã gây nên những điều này?

Lựa chọn các thiết bị âm thanh tốt là một sự khởi đầu rất tuyệt vời, nhưng vẫn còn rất nhiều các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của hệ thống. Thông qua bài chia sẻ dưới đây, hi vọng có thể người dùng cải thiện hệ thống âm thanh tại gia một cách tốt nhất. Một số cải thiện là hoàn toàn miễn phí, trong khi một số khác sẽ tốn kém một chút, nhưng tất cả đều nhằm khiến cho hệ thống âm thanh hoạt động tốt hơn.

1. PHÒNG NGHE

6-yeu-to-quan-trong-anh-huong-den-he-thong-am-thanh-tai-gia

Có thể nói, thiết kế phòng nghe là một trong số các yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng âm thanh của hệ thống. Mỗi một căn phòng đều có một đặc điểm âm thanh riêng biệt, được tạo ra từ cách âm thanh dội lại xung quanh và cộng hưởng với nhau. Điều này liên quan mật thiết với kích thước, cấu trúc và các nội thất trong căn phòng. Hãy thử đi đến các căn phòng trong nhà và bắt đầu nói to, người dùng có thể thấy được giọng nói của mình có sự khác biệt giữa các phòng.

Với tần số thấp, chất âm trong căn phòng phần lớn sẽ chịu ảnh hưởng bởi kích thước và vật liệu xây dựng của căn phòng. Trong khi những bức tường gạch và sàn bê tông sẽ có xu hướng giữ năng lượng cho âm trầm,những vách ngăn thạch cao hoặc sàn nâng sẽ khiến năng lượng âm trầm bị thoát ra, dễ tạo ra âm thanh không mong muốn trong quá trình này. Ngoài ra, các phòng có kích thước nhỏ sẽ gặp nhiều vấn đề với tần số thấp hơn, và các vấn đề về tần số cao liên quan nhiều hơn đến đồ nội thất trong phòng và tỷ lệ bề mặt phản chiếu cứng cao như thế nào.

6-yeu-to-quan-trong-anh-huong-den-he-thong-am-thanh-tai-gia

Nếu phòng nghe được trang bị nội thất thưa thớt, có sàn gỗ hoặc lát gạch và một khu vực có mặt kính lớn, thì khả năng cao chất âm trong phòng sẽ trở nên sáng và dữ dội. Có thể tiếng vang sẽ mạnh hơn, và những hiệu ứng này sẽ làm cho âm thanh bị lộn xộn, chồng chất lên nhau, gây mệt mỏi khi nghe. Sự nổi bật quá đà của tần số cao có thể làm mất cân bằng buổi trình diễn, làm âm thanh bị mỏng đi và mất đi độ ấm tự nhiên. Ngược lại, một căn phòng được trang bị nhiều đồ đạc sẽ hấp thụ nhiều âm thanh tần số cao hơn, vì vậy nó có thể làm cho hệ thống âm thanh của người dùng trở nên buồn tẻ và không thú vị. Lý tưởng nhất chính là tạo nên sự cân bằng giữa 2 thái cực này.

Nếu không gian nghe nhạc có quá nhiều vật liệu cứng, người dùng nên thêm một số vật liệu hút âm như thảm giữa các loa hoặc kệ chứa đầy sách. Rèm cửa dày là một lựa chọn tuyệt vời trước những khu vực kính lớn và những thứ như ghế sofa nhồi bông dày cũng rất phù hợp cho căn phòng quá vang. Đồng thời, hãy giảm lượng vật liệu hấp thụ nếu căn phòng khiến âm thanh trở nên buồn tẻ, thiếu sức sống.

Nếu có điều kiện, người dùng có thể tham khảo sự tư vấn của các công ty chuyên về xử lí âm học phòng nghe và cải tạo lại phòng nghe của mình cho phù hợp với hệ thống âm thanh.

2. VỊ TRÍ ĐẶT LOA

6-yeu-to-quan-trong-anh-huong-den-he-thong-am-thanh-tai-gia

Vị trí đặt loa cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hệ thống âm thanh tại gia. Mỗi một chiếc loa đều được thiết kế với một vị trí tối ưu trong phòng và, ngoại trừ một số loa có thiết kế linh hoạt, sẽ cho ra được màn trình diễn tốt nhất khi được đặt đúng “điểm ngọt” của căn phòng. Thông tin về vị trí loa thường có thể được tìm thấy trong những phần hướng dẫn sử dụng do nhà sản xuất cung cấp, tuy nhiên người dùng vẫn có thể nhờ đại lý tư vấn về vị trí tối ưu trong phòng.

Phần lớn các mẫu loa đều được thiết kế mang lại chất lượng âm thanh tốt nhất khi được đặt cách xa các bức tường. Khoảng cách khoảng 50cm cách tường là một thông số tốt để bắt đầu, tuy nhiên còn phụ thuộc vào cấu trúc và kích thước phòng nghe. Loa càng được để gần tường, âm trầm được tái tạo lại càng được nhấn mạnh, và vị trí ở góc là vị trí chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Điều này sẽ khiến cho âm trầm trở nên lấn át hơn so với âm trung và cao, làm mất đi tính cân bằng của bài nhạc.

6-yeu-to-quan-trong-anh-huong-den-he-thong-am-thanh-tai-gia

Ngoài ra, người dùng nên để 2 loa cách nhau ít nhất 2m để có thể có được một âm trường lí tưởng, và khoảng cách giữa bộ loa và vị trí người nghe cũng nên tầm khoảng 2m, để âm thanh từ các củ loa có đủ để giao nhau tại điểm ngọt, giúp người dùng có được trải nghiệm âm nhạc toàn vẹn. Đồng thời, hướng loa đến vị trí nghe như thế nào cùng là một yếu tố đáng quan tâm, vì điều này sẽ tạo nên sự kết hợp tốt giữa âm trường rộng và sự tập trung vào từng âm nốt.

Người dùng nên thử nghiệm nhiều lần để tìm ra vị trí loa tốt nhất cho căn phòng của mình, và cũng nên tham khảo sự tư vấn từ các chuyên gia để có thể có được vị trí tốt nhất.

3. VỊ TRÍ CÁC THIẾT BỊ TRONG HỆ THỐNG

6-yeu-to-quan-trong-anh-huong-den-he-thong-am-thanh-tai-gia

Điểm tiếp theo chính là vị trí các thiết bị điện tử trong hệ thống. Nếu người dùng để chúng gần với loa, có khả năng chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi những rung động khi loa phát nhạc – đặc biệt là với các nguồn phát như CD Player, mâm đĩa than. Điều tốt nhất là người dùng nên để các thiết bị âm thanh một khoảng cách nhất định với loa, hoặc sử dụng các phương pháp chống rung cho thiết bị nếu diện tích phòng không cho phép. Đồng thời, nên hạn chế việc đặt các thiết bị hệ thống ở giữa hai loa, vì điều này có thể gây ảnh hưởng đến âm hình khi nghe.

4. CÁC PHỤ KIỆN HỖ TRỢ

6-yeu-to-quan-trong-anh-huong-den-he-thong-am-thanh-tai-gia

Các phụ kiện hỗ trợ, đặc biệt là các phụ kiện chống rung, thật sự cần thiết cho hệ thống âm thanh tại gia, khi mà có thể giúp cách li hệ thống khỏi những rung động không mong muốn. một dàn âm thanh hoàn chỉnh cần phải có sự hài hòa, đồng bộ giữa những thiết bị chính như loa, ampli, nguồn phát, dây tín hiệu, dây loa và những phụ kiện đi kèm như chân chống rung, bộ lọc nguồn điện… Sự khác biệt mà một bộ phụ kiện hỗ trợ tốt tạo ra không phải là nhỏ, đặc biệt nếu các thiết bị được xếp chồng lên nhau, như rất nhiều người có xu hướng làm; vì vậy đây là một phần không nên bỏ qua nếu muốn có được trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời.

Giá của những chiếc kệ chống rung có thể dao động từ vài triệu đến vài trăm triệu tùy thuộc vào công nghệ và chất liệu của chúng. Bất kể là bao nhiêu, người dùng phải đảm bảo kệ chống rung phù hợp với các thiết bị trong hệ thống và phải mang độ cộng hưởng thấp. Điều tương tự cũng được áp dụng với các chân chống rung và chén chống rung cho các thiết bị trong hệ thống.

5. CHÂN LOA VÀ CHÂN ĐINH CỦA LOA

6-yeu-to-quan-trong-anh-huong-den-he-thong-am-thanh-tai-gia

Rất nhiều người mới vẫn coi loa “bookshelf” như một vật dụng trang trí cho giá sách của mình. Tuy nhiên, để loa có được chất lượng âm thanh tốt hơn, việc sở hữu một chiếc chân loa chuyên dụng là thật sự cần thiết. Có rất nhiều loại chân loa, từ loại chân ống rỗng có thể được đổ đầy bởi cát hoặc đá để gia tăng khối lượng, đến các loại khung cao cấp với chất liệu nhẹ mang khả năng chống rung vượt trội. Người dùng có thể dựa vào mẫu loa của mình mà lựa chọn chân loa cho phù hợp. Đồng thời, đảm bảo rằng các chân đinh đều được siết chặt và cân bằng khi đứng trên sàn, nếu không sẽ dẫn đến hiện tượng âm trầm sẽ bị mềm và mất đi chi tiết của bản nhạc.

6. DÂY TÍN HIỆU VÀ DÂY LOA

6-yeu-to-quan-trong-anh-huong-den-he-thong-am-thanh-tai-gia

Nhiều người chơi âm thanh thường sẽ không chú trọng đến các phụ kiện phụ trợ, đặc biệt là dây tín hiệu và dây loa. Tuy nhiên, chúng rất cần thiết để hệ thống hoạt động một cách trơn tru và mang lại trải nghiệm ổn định cho người dùng. Thông thường, số tiền đầu tư vào dây tín hiệu và dây loa phụ thuộc vào từng hệ thống và thiết bị sử dụng, nhưng với ước tính sơ bộ, người dùng có thể cân nhắc khoảng 10 – 20% tổng chi phí hệ thống cho dây.

Một điều quan trọng là người dùng cần phải đảm bảo rằng dây điện nguồn và dây tín hiệu phải được giữ càng xa nhau càng tốt. Nếu không, sự tác động lẫn nhau sẽ làm phần trình diễn trở nên thô ráp và thiếu tinh tế. Ngoài ra, hãy nên giữ cho các dây cáp thẳng, tránh việc dây bị uốn cong hay bị gập, ảnh hưởng đến tín hiệu được truyền tải. Đồng thời, hãy cố gắng đảm bảo rằng tất cả các thiết bị điện tử đều được cắm vào các ổ cắm điện gần nhau, nhằm đảm bảo rằng không có sự khác biệt tiềm ẩn giữa nhửng nguồn điện mà mỗi sản phẩm sử dụng.

6-yeu-to-quan-trong-anh-huong-den-he-thong-am-thanh-tai-gia

Một yếu tố khác chính là các đầu kết nối của dây cáp. Tất cả các đầu kết nối đều sử dụng tiếp xúc kim loại với kim loại, và điện sẽ đi từ phích cắm ở ổ cắm điện theo đường thẳng đến các thiết bị điện. Theo thời gian, các điểm tiếp xúc này có thể bị oxy hóa, ảnh hưởng đến chất lượng kết nối. Mỗi năm một lần, người dùng nên rút các dây kết nối ra và cắm lại chúng 3 hoặc 4 lần – bao gồm cả dây loa. Điều này sẽ giúp làm sạch các bề mặt kim loại của các đầu kết nối. Kết quả là chất lượng âm thanh sẽ có một sự cải tiến nhỏ, mà không tốn nhiều kinh phí hay thời gian.

Nguồn: Hifivietnam.vn

Bình luận

Đánh giá trung bình

(0 Đánh giá)

  • 5
  • 0 Rất hài lòng
  • 4
  • 0 Hài lòng
  • 3
  • 0 Bình thường
  • 2
  • 0 Dưới trung bình
  • 1
  • 0 Thất vọng

Đăng ký nhận thông tin Khuyến mãi & Tin tức từ SAIGON HD

* Bắt buộc nhập!