Thiết bị nghe nhìn

Kenny Phạm  •  16/12/2017 10:04  •  0 bình luận  •  2005 lượt xem

Để tìm hiểu và trải nghiệm bước tiến công nghệ của Avantgarde, nhà phân phối tại Việt Nam đã chuyển tới phòng nghe của chúng tôi mẫu loa UNO XD. Đây là sản phẩm mới nhất của dòng UNO, là dòng loa nhỏ thứ 2 từ dưới lên của Avantgarde. Tuy nhiên trên thực tế, nó chẳng hề nhỏ chút nào về kích thước và hoàn toàn có thể phủ đầy âm nhạc cho phòng nghe có diện tích từ 40-60m2.

Vẻ bề ngoài khác biệt của loa kèn nói chung và Avantgarde UNO XD nói riêng luôn là điểm nhấn bắt mắt. UNO XD sử dụng 2 miệng kèn có thể tháo rời cho loa midrange và loa tweeter. Cặp loa được gửi tới văn phòng của chúng tôi có miệng kèn màu đỏ, nổi bật trên bộ sườn loa màu đen.

Với những ai chỉ quen nhìn những mẫu loa đương đại với thiết kế thùng gỗ vuông vức thì những chiếc miệng kèn loe ra của UNO XD dường như quá lạ lẫm. Song nếu chịu khó soi lại lịch sử của ngành công nghiệp âm thanh sẽ thấy, đây chính là thiết kế khởi thủy của nền sản xuất loa thế giới. Và hiện ở tư dinh của dân chơi hi-end sớm nhất tại Việt Nam, ông Trần Trinh Huy, hay còn có biệt danh “công tử Bạc Liêu” vẫn còn trưng bày chiếc loa kèn kèm máy quay đĩa bằng tay của những năm 30 mà miệng loa loe ra như bông hoa loa kèn, khá tương đồng với thiết kế miệng kèn của cặp UNO XD.

Tuy nhiên, sự trung thành trong nguyên lý thiết kế miệng kèn của loa chỉ gợi nên nét hoài cổ về thiết kế. Còn trong công nghệ chế tạo, đây là đôi loa sở hữu một tổng thể hài hòa gồm công nghệ giảm nhiễu tiên tiến nhất, những củ loa sử dụng cuộn dây âm trở kháng cao, hay hệ thống loa woofer kèm ampli công suất tới 1.000 watt với mạch kiểm soát âm thanh dạng DSP cho phép tái tạo âm nhạc liền lạc, nhuần nhuyễn và phù hợp với nhiều phòng nghe khác nhau.

UNO XD Series là phiên bản thu gọn của hệ thống DUO cổ điển. Bằng cách sử dụng củ loa woofer đường kính 254 mm và tích hợp họng kèn vào thân loa, Avantgarde đã thành công trong việc giảm thiểu cấu trúc thùng loa đáng kể. Mục tiêu của hãng là cố gắng bảo toàn sự trong trẻo và nội lực từ cặp loa lớn DUO vào trong thân loa nhỏ gọn hơn của UNO XD.

Họng kèn dạng cầu của UNO XD với đường kính 500 mm hỗ trợ cho củ loa trung tái tạo âm thanh có tần số ở cận dưới xuống đến 300 Hz. Loa woofer chủ động SUB225 XD tái tạo những tần số trầm cực thấp. Dải âm này được tái hiện bởi 2 củ loa đường kính 254 mm và nhận năng lượng từ ampli công suất tối đa 1.000 watt.

Loa trung kèn:

Đa phần các nhà sản xuất phổ thông tập trung nghiên cứu để làm thật hay loa tweeter và loa woofer bởi âm thanh tại hai điểm mút tần số này dễ gây ấn tượng với người nghe hơn cả. Tuy nhiên, Avantgarde lại nhận định rằng loa mid-range mới là trái tim cho toàn bộ dải âm thanh.

Củ loa mid của UNO XD là model OMEGA M1, sử dụng công nghệ cuộn dây âm thanh Omega có mức điện trở cao và tái tạo lại được dải trung xuống đến 300 Hz.

OMEGA M1 là củ loa có đường kính viền loa 130mm với tâm loa đường kính 79mm. Toàn bộ hệ thống này được tối ưu hoá cho một hành trình dài và tuyến tính. Các kỹ sư của Avantgarde có thể tăng hiệu quả từ thông trong các khoảng trống của loa bằng cách loại bỏ lớp vỏ đồng tại đầu cực. Để tạo từ trường mạnh mẽ có thể kiểm soát tốt chuyển động của cuộn dây âm thanh, Avantgarde đã sử dụng bộ nam châm kép Ferrite.

Nhà sản xuất sắp xếp màng loa một cách chính xác với các độ cong được tối ưu khi kết hợp với họng kèn loa mid, đảm bảo độ trung hoà pha trong việc khuếch tán sóng âm.

Màng loa SMC - Soft-Mesh-Compound sử dụng màng lưới với các mắt lưới cực nhỏ được phủ kín bằng lớp áo cao su đàn hồi. Sự kết hợp này giúp giảm cộng hưởng từ vòm loa và hấp thu nhiễu ở tần số cao.

Hệ thống CDC của Avantgarde có thể tái tạo lại tần số lên đến 3.000 Hz, loại bỏ tất cả các bộ phận phân tần thụ động trên đường dẫn tín hiệu. Bằng cách này, OMEGA M1 nhận được tín hiệu toàn dải một cách đầy đủ, không bị méo từ ampli.

Loa tweeter kèn:

Loa tweeter của UNO XD là Omega H3, từng được sử dụng trên hệ thống loa đầu bảng Trio. Củ loa tweeter Omega H3 là sự phối hợp của các cuộn dây âm Omega trở kháng cao, cải thiện hệ số kiểm soát loa - DF của bất kỳ thiết bị ampli nào kết nối với loa và giảm đi các hiệu ứng tiêu cực từ dây loa.

Hoạt động của củ loa này có sự mượt mà thường thấy ở loa tĩnh điện nhưng được cộng hưởng năng lượng bởi cấu trúc của họng kèn. Bên cạnh đó, loa được trang bị cuộn âm bằng Kapton với khoảng hở nhỏ nhất có thể với trở kháng 17 ohm và một lớp màng bọc siêu nhẹ.

Theo nhà sản xuất, lực hút từ tính của khối nam châm 3kg đảm bảo tái tạo âm thanh không bị đè nén ngay cả những lúc người dùng xiết âm lượng lên mức cao.

Với họng kèm đường kính 130mm, H3 Omega có thể tái tạo được sóng âm có dải tần mở rộng xuống 1.000 Hz. Do điểm cắt tần thụ động là 3.000 Hz, loa tweeter Omega H3 đạt được chất âm mềm mại và mượt mà với không gian âm thanh rộng rãi.

Loa woofer:

UNO XD sử dụng loa woofer chủ động SUB225-XD, được trang bị 2 củ loa đường kính 250mm.

Những chiếc loa woofer này có hành trình nón loa dài +/- 8mm và được các kỹ sư của Avantgarde sử dụng bởi nó có khả năng kiểm soát năng lượng cực tốt. Bên trong loa bass là cuộn âm thanh đường kính 76,2 mm bằng dây đồng cuộn tròn, có thể chịu nhiệt độ cao. Để cải thiện mật độ di chuyển luồng hơi và loại bỏ việc thất thoát năng lượng từ trường, Avantgarde đã sử dụng nam châm ferrite có bề mặt cực âm đặc biệt.

Subwoofer amplifier:

Loa woofer chủ động của UNO XD được cấp nguồn bởi module công suất XD-1000. Ampli tích hợp kèm theo loa có công suất 500 watt/loa. Từng loa woofer đều có một ampli cấp nguồn riêng biệt. Có thể kết nối trực tiếp module woofer tới ampli tích hợp, power-amp hay receiver thông qua cổng input speaker-level. UNO XD cũng cung cấp cổng kết nối XLR để người dùng có thể sử khi cần thiết.

Mạch xử lý âm thanh số:

Đi kèm ampli XD-1000 là mạch xử lý âm thanh số cao cấp. Với công nghệ analogue cho độ chính xác đến từng bit, mạng lưới phân tần kỹ thuật số loại bỏ tất cả các bộ lọc thụ động trên đường dẫn tín hiệu của loa woofer, do đó tháo gỡ được hàng loạt các vấn đề phát sinh từ các bộ lọc analog như tụ điện, điện trở, dân dẫn tín hiệu, chuyển pha và những hiệu ứng tiêu cực từ xung phản hồi.

Người dùng có thể thiết lập âm lượng, thời gian trễ, bộ lọc cao tần/hạ tần và 10 tham số EQ ngay trên loa UNO XD. Điều này có nghĩa một loạt các biến số có thể thay đổi và được điều chỉnh cụ thể bằng cách sử dụng màn hình điều khiển của module XD-1000 phía sau hoặc kết nối với máy tính.

Bằng cách này, người dùng có thể điều chỉnh âm thanh theo các tuỳ chọn riêng để tối ưu cặp loa với phòng nghe. Với không gian phòng trên 30m2 của Stereo, chúng tôi chọn ngưỡng âm lượng cho loa woofer là 11,5 dB khi chơi nhạc pop và 10 dB khi chơi với nhạc jazz để vừa đảm bảo dải trầm đầy đủ nhưng không dội tiếng. Về các khoảng cắt tần, chúng tôi giữ nguyên ở chế độ tiêu chuẩn mặc định cho loa.

Cấu trúc loa:

Avantgarde đã dốc hết tâm huyết để thiết kế sao cho UNO XD đơn giản nhất có thế. Không cần các đường viền, không phụ kiện, không đi sâu vào vật liệu và bề mặt, không chi tiết rườm rà. Chỉ đơn giản là gỗ, nhựa đúc và bề mặt tự nhiên.

Toàn bộ hệ thống loa được đặt trên một khung đế bằng nhôm đặc, và ở 4 góc là 4 chân đinh đường kính 55mm cùng các tay nắm cỡ lớn giúp cho việc điều chỉnh có thể thực hiện dễ dàng.

Nguồn: stereo.vn

Từ khóa: Loa Hi-end

Bình luận

Đánh giá trung bình

(0 Đánh giá)

  • 5
  • 0 Rất hài lòng
  • 4
  • 0 Hài lòng
  • 3
  • 0 Bình thường
  • 2
  • 0 Dưới trung bình
  • 1
  • 0 Thất vọng

Đăng ký nhận thông tin Khuyến mãi & Tin tức từ SAIGON HD

* Bắt buộc nhập!